NINH THUẬN RA QUÂN ĐẦU NĂM CÁC CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM

Thứ năm, 29/02/2024

Ngày 20/2, tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ ra quân đầu năm mới 2024 Dự án đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) đến ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) và Dự án môi trường bền vững – Tiểu dự án thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.

 

Lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tặng quà đầu năm 2024 và động viên các đơn vị thi công nỗ lực hoàn thành dự án đúng kế hoạch.

Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh dự, tặng quà đầu năm và động viên các nhà thầu bảo đảm tiến độ thi công các dự án trọng điểm, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Dự án đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) đến ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) có tổng chiều dài hơn 63km, tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng, do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Ninh Thuận làm chủ đầu tư. Dự án chia thành hai dự án thành phần.

Thành phần một, đường từ thị trấn Tân Sơn đến xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, dài hơn 22km; quy mô mặt cắt ngang đối với đoạn qua thị trấn Tân Sơn dài hơn 3,5km, rộng 37m (mặt đường rộng 21m gồm hai làn xe mỗi bên) đối với đoạn còn lại dài hơn 19km có mặt cắt ngang rộng 9m (mặt đường rộng 8m gồm hai làn xe).

Điểm đầu dự án tại điểm giao quốc lộ 27B và quốc lộ 27 (ngã ba Ninh Bình) đến điểm cuối tại xã Ma Nới.

Dự án khởi công từ tháng 1/2022, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng ngày 26/12/2023.

Thành phần hai, đường từ xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) đến ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) có chiều dài hơn 41km (trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận dài gần 24km; đoạn qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng dài hơn 17km); quy mô mặt cắt ngang rộng 9m (mặt đường rộng 8m gồm hai làn xe).

Điểm đầu dự án trùng với điểm cuối của dự án thành phần 1 (tại Km22+283) xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn; điểm cuối (tại Km63+320), ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng. Tổng mức đầu tư hơn 1.095 tỷ đồng.

Đến nay, dự án thành phần hai đã thi công các hạng mục nền, mặt đường, công trình thoát nước trên tuyến… đạt 23,5km/41km (trong đó, Ninh Thuận dài 8km/23,937 km; Lâm Đồng đạt 15,5km/17,1km), đã thảm bê-tông nhựa mặt đường dài 14km, với giá trị ước đạt khoảng 65%.

Riêng đoạn tuyến còn lại dài 17,5km bị vướng rừng và đất rừng, đang trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển đổi.

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Ninh Thuận triển khai cụ thể nhiệm vụ đến các đơn vị thi công, tư vấn giám sát tập trung phương tiện, nhân lực… để hoàn thành công trình đúng tiến độ, đúng kế hoạch giải ngân năm 2024.

Ngay sau lễ ra quân đầu năm 2024, các đơn vị thi công triển khai các hạng mục còn lại của dự án thành phần hai, đoạn đường từ xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) đến ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) có chiều dài hơn 41km.

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ kết nối giao thông liên vùng, phá vỡ thế chia cắt, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm khu công nghiệp, khu sản xuất nông nghiệp, khu dân cư, cảng biển… tạo động lực phát triển của các xã có tuyến đường đi qua. Khai thác hiệu quả những vùng đất tiềm năng cũng như tạo quỹ đất dọc theo tuyến đường để phát triển kinh tế-xã hội; từng bước hoàn chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; thuận lợi trong xử lý các tình huống ứng phó với thiên tai và nâng cao tiềm lực an ninh-quốc phòng.

Cùng ngày, Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh Ninh Thuận (chủ đầu tư) đã tổ chức lễ ra quân đầu năm 2024, tiếp tục thi công các công trình thuộc dự án “Môi trường bền vững các thành phố duyên hải-Tiểu dự án thành phố Phan Rang-Tháp Chàm” được triển khai thực hiện thủ tục đầu tư từ năm 2016 và sẽ kết thúc dự án vào ngày 30/6/2024. Mục tiêu dự án nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe của người dân thành phố.

Dự án trải dài trên địa bàn toàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tập trung vào các tuyến kênh mương, giao thông đô thị, hệ thống thu gom xử lý nước thải, vệ sinh hộ gia đình, công cộng, đấu nối như: cải tạo các kênh Tấn Tài, Chà Là, kênh Nhị Phước dài hàng chục km; xây dựng bảy nhà vệ sinh trường học và công cộng; xây dựng hồ điều hòa trung tâm rộng hơn 22,7ha; xây dựng hơn 50km tuyến cống thu gom nước thải và cải tạo nâng công suất nhà máy xử lý nước thải thành phố Phan Rang-Tháp Chàm từ 5.000m3/ngày, đêm lên 7.500m3/ngày, đêm… với tổng mức đầu tư 103,82 triệu USD (tương đương 2.253 tỷ đồng).

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm cùng lãnh đạo các sở, ngành tham khảo thiết kế các hạng mục đã hoàn thành và các hạng mục tiếp tục thi công để hoàn thành toàn dự án vào tháng 6/2024.

Trong đó, vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) là 66,524 triệu USD và vốn đối ứng là 31,432 triệu USD.

Dự án có 13 gói thầu, đã thi công đạt 78% khối lượng toàn dự án và giải ngân được 1.751/2.253 tỷ đồng.

Tại buổi lễ, chủ đầu tư đề nghị các nhà thầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tranh thủ tốt thời cơ thuận lợi để hoàn thành công việc đảm nhận theo đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng, quyết tâm hoàn thành đúng kế hoạch toàn dự án trước ngày 30/6/2024 như cam kết của tỉnh Ninh Thuận với WB.

TIN MỚI NHẤT (LATEST NEWS)

Thông Báo Nghỉ Lễ

THÔNG BÁO NGHỈ LỄ Kính thưa Quý Khách Hàng và Quý Đối Tác của Phúc Thành An Group, chúng tôi trân trọng thông báo lịch nghỉ lễ của tập đoàn

Thông Báo Nghỉ Lễ

THÔNG BÁO NGHỈ LỄ Kính thưa Quý Khách Hàng và Quý Đối Tác của Phúc Thành An Group, chúng tôi trân trọng thông báo lịch nghỉ lễ của tập đoàn của chúng thôi như sau:

NINH THUẬN RA QUÂN ĐẦU NĂM CÁC CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM

Ngày 20/2, tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ ra quân đầu năm mới 2024 Dự án đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) đến ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) và Dự án môi trường bền vững – Tiểu dự án thành

Tại sao bê tông cần kết hợp phụ gia?

Phụ gia là một chất cần thiết để sản xuất bê tông, theo thống kê hiện nay các bạn có thể thấy các loại phụ gia phổ biến nhất là phụ gia tăng dẻo, siêu dẻo giảm nước, phụ gia chống thấm, phụ gia nở và không co, phụ gia